Nữ thủ lĩnh sinh viên: Chọn hài hòa, không tìm sự cân bằng

Thứ tư - 08/03/2023 04:00 47 0
Nguyễn Thị Châu Anh - tân cử nhân Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) - được nhắc với 'cú đúp' quán quân thủ lĩnh sinh viên TP.HCM và toàn quốc trong cùng năm 2022.
Nữ thủ lĩnh sinh viên: Chọn hài hòa, không tìm sự cân bằng
Nguyễn Thị Châu Anh, gương mặt Thủ lĩnh sinh viên TP.HCM và toàn quốc 2022 - Ảnh: CÔNG TRIỆU

Nguyễn Thị Châu Anh, gương mặt Thủ lĩnh sinh viên TP.HCM và toàn quốc 2022 - Ảnh: CÔNG TRIỆU

Đã hoàn thành vai trò sinh viên, song nữ thủ lĩnh ấy hiện đang là phó chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam TP.HCM. Trong cuộc trò chuyện cùng Tuổi Trẻ khi chỉ còn ít ngày nữa sẽ khai mạc Đại hội Hội Sinh viên Việt Nam TP.HCM lần thứ VII, nữ thủ lĩnh ấy chia sẻ:

- Như có duyên, tôi tham gia Hội Sinh viên ngay năm đầu đại học. Vừa học vừa nghiên cứu khoa học, lại hoạt động Hội giúp tôi sớm hình thành cách nhìn nhận, đánh giá vấn đề, đặc biệt là sở thích đi đến cùng, tìm ra kết quả, giải pháp cho một vấn đề.

Tôi biết ơn Đoàn - Hội vì đây là môi trường cho tôi sự tự tin như hôm nay. Tôi nghĩ mình đã nhận được quá nhiều giá trị nên cần nỗ lực tạo ra giá trị lớn hơn điều đã nhận.


NGUYỄN THỊ CHÂU ANH

Biết mình đang làm gì

* Bạn có bao giờ từng nghĩ mình sẽ trở thành thủ lĩnh sinh viên?

- Khi vào đại học tôi vẫn đang phân vân không biết mình có nên tiếp tục trở thành một cán bộ Hội nữa không vì trước đó đã hoạt động Đội, Đoàn thời phổ thông rất nhiều. Thật lòng tôi muốn dành nhiều thời gian hơn để học tốt chuyên môn ở đại học.

Nhưng khi tham gia Hội Sinh viên rồi trở thành phó chủ tịch Hội Sinh viên trường ngay cuối năm nhất đại học, tôi nhận ra mình còn mê hoạt động Đoàn - Hội lắm.

Chính khi tự vấn mình bằng những câu hỏi, thôi thúc mình tìm câu trả lời cho câu hỏi làm sao để phong trào sinh viên tốt lên, khi đó tôi biết và muốn toàn tâm toàn ý với con đường trở thành cán bộ Hội.

* Điểm tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh 89,9/100, bí quyết gì để bạn cân bằng giữa học và hoạt động?

TIN LIÊN QUAN

- Thực ra thời gian đầu tôi khá áp lực, cảm giác 24 giờ mỗi ngày không đủ. Có lúc tôi thấy chật vật, luôn trong trạng thái căng thẳng dù xác định học là quan trọng nhất.

Tôi còn có công việc trợ lý nghiên cứu cho Trung tâm Quản lý công tại trường, giai đoạn đầu được giao phụ trách đề tài nghiên cứu về phương thức học tập trực tuyến của học sinh, sinh viên giai đoạn dịch COVID-19.

Khi ấy, Đoàn - Hội cũng đang nỗ lực tìm cách giúp việc học trực tuyến trở nên hiệu quả hơn. Tôi lấy kết quả nghiên cứu bước đầu ấy lồng ghép vào hoạt động Đoàn - Hội, dần có cách hỗ trợ các bạn, chợt nhận ra nghiên cứu khoa học và hoạt động Đoàn - Hội hoàn toàn có thể đi cùng nhau.

Tôi áp dụng cùng công thức đó vào việc học và thấy việc xử lý bài vở dễ thở hơn. Rồi áp dụng cách vận hành tổ chức, quản lý con người ở trường vào hoạt động câu lạc bộ, đội nhóm...

Đó cũng là lúc tôi nhận ra bí quyết đơn giản mà bấy lâu cứ chật vật kiếm. Ấy là đừng cố gắng tìm sự cân bằng. Cứ đặt mọi việc trên một con đường, hoạt động Đoàn - Hội cũng là lúc mình đang học và học chính là đang trang bị kiến thức cho mình hoạt động.

Phải hỗ trợ sinh viên thật tốt

* Dễ nhận thấy bạn hăng say nhất khi bàn chuyện phát triển phong trào sinh viên?

- Đúng là tôi có nhiều trăn trở. Tôi rất quan tâm việc chuyển đổi sang mô hình tự chủ tài chính. Đây là câu chuyện ảnh hưởng trực tiếp đến sinh viên. Khi tự chủ, các trường phải nâng mức học phí lên không còn lạ. Chúng ta kỳ vọng học phí tăng đi đôi với chất lượng giáo dục sẽ được nâng lên, sinh viên được hưởng lợi từ môi trường giáo dục này.

Tuy nhiên, điều tôi quan tâm là tổ chức Hội của chúng ta sẽ có cách nào để hỗ trợ sinh viên khó khăn trước vấn đề đó. Làm sao để đảm bảo sẽ không có một bạn sinh viên nào bị bỏ lại phía sau.

Bởi chất lượng giáo dục tốt không nên chỉ đến với những người có điều kiện tài chính mà phải đến được với tất cả mọi người. Vai trò của xã hội, trong đó có Hội Sinh viên chính là làm sao để không một bạn sinh viên nào bị bỏ lại phía sau.

* Bạn quan tâm đến chuyển đổi số vốn đang là xu hướng mà sinh viên không thể đứng ngoài cuộc?

- Chúng ta đã nghe khá nhiều về mục tiêu chuyển đổi số quốc gia thời gian qua, rồi mục tiêu của tổ chức Đoàn - Hội và hầu như mọi đơn vị đều có. Với sinh viên, tôi cho rằng có năng lực số, kỹ năng số nói riêng và kỹ năng sống nói chung là điều gần gũi, thiết thân nhất.

Bài toán ấy cần được đầu tư bài bản, có sự liên kết của nhiều bên liên quan chứ không riêng góc độ hay trách nhiệm của tổ chức hoặc cá nhân nào. Phải bắt đầu từ những việc nhỏ thôi nhưng cần cụ thể. Tôi có cảm giác nhiều hoạt động hiện có đang mang tính phong trào, hô hào chuyện lớn nhưng ít để ý đến kết quả.

Phải luôn là chính mình

* Điều đọng lại trong Châu Anh khi nhắc về hành trình hoạt động Đoàn - Hội của mình?

- Điều tôi nhận được nhiều nhất sau những năm hoạt động có lẽ là sự đồng hành, chia sẻ của mọi người. Nếu quan sát hội thi Thủ lĩnh sinh viên toàn quốc, có lẽ nhiều người sẽ thấy luôn có một đội ngũ đông đảo cổ vũ cho tôi.

Mà ngoài những người bạn từ TP.HCM còn có bạn học cấp III, những người bạn toàn quốc. Nên đôi khi điều tôi làm hay quyết định không chỉ là đam mê, ấp ủ của riêng tôi mà còn là gửi gắm của nhiều người.

Tôi luôn tự rèn và nhắc mình phải là chính mình. Khoảnh khắc tôi được xướng tên là thủ lĩnh sinh viên toàn quốc, cảm giác thật tự hào, vui không chỉ vì đã nỗ lực rất nhiều mà là mình được bày tỏ đam mê, tâm huyết với phong trào sinh viên, và muốn lan tỏa những điều ấy đến mọi người.

loading...

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây