Tài liệu sinh hoạt chi đoàn tháng 1+2/2022

Thứ năm - 06/01/2022 00:20 390 0
Huyện đoàn Nam Trà My kính gửi các đơn vị Bản tin Tài liệu sinh hoạt chi đoàn tháng 1+2 năm 2022
Tài liệu sinh hoạt chi đoàn tháng 1+2/2022
 

“Tôi-người đoàn viên TNCS Hồ Chí Minh”

CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẢNG TOÀN QUỐC LẦN THỨ XIII

 

Bác Hồ với mùa Xuân thành lập Đảng

 

Biết bao mùa xuân đã trôi qua, nhưng một mùa xuân thực sự, một mùa xuân khởi đầu, đặt nền móng cho hạnh phúc của chúng ta hôm nay lại chính là mùa xuân thành lập Đảng năm 1930, có thể nói đó là mùa Xuân lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cũng là mùa Xuân lịch sử của cách mạng Việt Nam.

Mùa Xuân Canh Ngọ 1930, nhận được liên lạc của Quốc tế cộng sản, trước tình hình những người cộng sản ở Việt Nam đang chia rẽ nội bộ sau khi thành lập ba tổ chức cộng sản đầu tiên, Bác Hồ của chúng ta từ một vùng quê ở Thái Lan, đáp xe lửa đi Băng Cốc, rồi đi tàu thuỷ đến Sing-ga-po. Tại đây, Người chuyển sang một con tàu khác đi Hồng Kông. Ngồi trên tàu, qua cánh cửa, Bác được nhìn thấy bờ biển Tổ quốc thấp thoáng nơi chân trời. Nỗi nhớ nước, thương nhà làm tim Người thắt lại! Nỗi đau riêng của gia đình (cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh ra Người đã qua đời) hoà trong nỗi đau chung của cả một dân tộc. Bác nghĩ đến những đêm dài nô lệ, biết bao sĩ phu yêu nước đã tập hợp Nhân dân, giương cao ngọn cờ chống giặc ngoại xâm. Nhưng những cuộc nổi dậy ấy đều bị dìm trong biển máu. Và trách nhiệm lịch sử nặng nề ấy đã đặt lên vai những người cộng sản. Ba tổ chức cộng sản ở Bắc, Trung, Nam được thành lập. Song yêu cầu bức thiết của cách mạng Việt Nam lúc này là phải có một Đảng thống nhất trong nước. Các đồng chí Hồ Tùng Mậu và Lê Hồng Sơn đã bí mật ra tận cảng biển để đón Bác.

Sau khi bàn bạc với các đồng chí của mình, liên lạc với các đồng chí quen biết cũ của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Bác quyết định tổ chức Hội nghị hợp nhất các Đảng Cộng sản ở Việt Nam vào đúng dịp Tết Nguyên đán. Ở Việt Nam và Trung Quốc, Tết Nguyên đán là ngày hội cổ truyền, thường kéo dài hàng tuần, người đi lại rất đông. Chính trong dịp này, những đại biểu tham dự Hội nghị có thể đi khỏi đất nước mà không ai để ý. Hội nghị họp từ ngày 6/01 đến ngày 07/02/1930 tại Cửu Long (Trung Quốc) thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Thế là kể từ ngày rời bến Nhà Rồng năm 1911, ước mơ thiêng liêng của Người nay đã thành sự thật. Ngày cuối cùng của Hội nghị, Bác tổ chức một bữa cơm nhỏ ngay tại phòng ở của mình. Khi các đại biểu đã ngồi xung quanh bàn. Người xúc động nói: “Các đồng chí! Hôm nay là ngày lịch sử của chúng ta. Lênin vĩ đại đã nói: Chỉ Đảng nào có được một lý luận tiên phong, mới có khả năng làm tròn vai trò chiến sĩ tiên phong. Bây giờ chúng ta đã có một Đảng như thế rồi - Đảng của giai cấp công nhân Việt Nam. Nhân dân ta từ xưa đã có truyền thống đấu tranh anh dũng, nhưng suốt những năm ấy Nhân dân ta lại thiếu người cầm lái sáng suốt. Giờ đây, Đảng của chúng ta phải gánh lấy vai trò này và tôi tin rằng Đảng ta sẽ dẫn dắt Nhân dân ta đến thắng lợi trong cuộc đấu tranh giành Độc lập, Tự do cho Tổ quốc thân yêu”. Thế là mơ ước thiêng liêng và mục tiêu cao cả, mà gần hai mươi năm qua, kể từ khi Người ra đi từ bến Nhà Rồng để tìm đường cứu nước, nay đã trở thành sự thật. Cách mạng Việt Nam từ nay đã có một đội quân tiên phong đoàn kết chiến đấu.

Trong suốt những năm tháng lãnh đạo Nhân dân ta làm cách mạng, Đảng ta luôn luôn làm theo lời Bác, luôn gắn bó máu thịt với Nhân dân, đoàn kết Nhân dân thành một khối vững chắc để đánh giặc giữ nước và xây dựng nước nhà. Đảng ta luôn coi ý kiến, nguyện vọng của Nhân dân là nguồn gốc hình thành đường lối đổi mới của Đảng.

THEO DÒNG LỊCH SỬ

- 06/01/1946: Ngày Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

- 09/01/1950: Ngày truyền thống học sinh, sinh viên.

- 27/01/1973: Ngày Ký hiệp định Paris.

- 29/01/1258: Ngày chiến thắng Nguyên-Mông lần thứ nhất.

- 03/02/1930: Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

- 07/02/1418: Ngày Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa Lam Sơn.

- 15/02/1943: Ngày mất anh Kim Đồng- Người đội viên đầu tiên của Đội Nhi đồng cứu quốc (tiền thân của Đội TNTP Hồ Chí Minh).

- 27/02/1955: Ngày Thầy thuốc Việt Nam.

 

09/01/1950: NGÀY TRUYỀN THỐNG HỌC SINH, SINH VIÊN

 

Hơn nửa thế kỷ qua, dưới ngọn cờ của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, phong trào học sinh, sinh viên và tổ chức Hội sinh viên Việt Nam đã có những cống hiến xuất sắc và trưởng thành vượt bậc qua các thời kỳ lịch sử cách mạng, là niềm tự hào của thế hệ học sinh, sinh viên ngày nay. 

Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thư gửi học sinh nhân ngày khai trường sau Cách mạng Tháng Tám 1945: “… Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được vẻ vang sánh vai các cường quốc năm châu hay không chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em…” và các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giáo dục và đào tạo đã cổ vũ học sinh, sinh viên nước ta thi đua học tập tốt, rèn luyện tốt và tình nguyện chung sức cùng cộng đồng.

Trong giai đoạn 1925-1945, được đồng chí Nguyễn Ái Quốc giác ngộ, các tổ chức học sinh, sinh viên yêu nước lần lượt ra đời, như: Tổ chức Học sinh Đoàn, Đội Ngô Quyền, Tổng Hội Sinh viên đã lãnh đạo phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên dưới ngọn cờ của Đảng và Bác Hồ kính yêu. Tự hào đối với các thế hệ học sinh, sinh viên là việc thành lập chi bộ Đảng đầu tiên, thành lập và hợp nhất các tổ chức Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng Sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên Đoàn và các chi bộ Đoàn, tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản mà hầu hết đảng viên, đoàn viên đều là những đồng chí xuất thân từ học sinh, sinh viên, như: Trần Phú, Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Trịnh Đình Cửu, Nguyễn Thị Minh Khai, Lý Tự Trọng… 

Ngày 28/01/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc bí mật về nước để cùng Trung ương Đảng trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Được sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng, cuộc vận động hình thành Tổng Hội Sinh viên hoạt động công khai nhằm liên kết lực lượng sinh viên yêu nước, có cảm tình với cách mạng. Cùng với sự phát triển của phong trào sinh viên, phong trào học sinh các trường trung học ngoài Bắc, trong Nam cũng phát triển ngày càng mạnh bởi được ảnh hưởng của cuộc đấu tranh chung do Mặt trận Việt Minh và các Đoàn thể cứu quốc hướng dẫn.

Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 của Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã giành thắng lợi hoàn toàn. Đó là thành quả to lớn của cuộc đấu tranh lâu dài, đầy gian khổ, hy sinh, trong đó các tầng lớp thanh niên, học sinh, sinh viên có nhiều đóng góp xứng đáng, với biết bao tấm gương anh dũng, kiên cường đã được khắc ghi vào lịch sử dân tộc.

Sau cách mạng Tháng Tám, học sinh, sinh viên hăng hái học tập, rèn luyện và tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, xung kích thực hiện 3 nhiệm vụ lớn: Diệt giặc dốt, diệt giặc đói, diệt giặc ngoại xâm do Bác Hồ và Chính phủ đề ra. 

Từ năm 1947 đến 1949, ở Sài Gòn, Huế, Hà Nội đã thành lập Hội Học sinh kháng chiến, Đoàn sinh viên kháng chiến sau đó phát triển ra nhiều trường ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam; số lượng học sinh, sinh viên được kết nạp vào Đoàn và Đảng khá đông. Các hoạt động của học sinh, sinh viên kháng chiến ngày càng phong phú và đa dạng hơn. Với khẩu hiệu: “Tích cực cầm cự chuẩn bị chuyển mạnh sang tổng phản công” đã tiếp thêm sinh lực mới cho phong trào học sinh, sinh viên. Cuộc đấu tranh của học sinh đã lan ra cả Đông Dương. 

Ngày 09/11/1949, học sinh Huế bãi khoá. Phan Văn Giáo, Tổng trấn bù nhìn Trung bộ đã thẳng tay khủng bố. Học sinh, sinh viên quyết định bãi khoá để phản đối.

Ngày 22/11/1949, trong lúc tại Huế đang tranh đấu, học sinh Sài Gòn bí mật vận động kỷ niệm ngày Nam Kỳ khởi nghĩa và đề xướng hưởng ứng phản đối việc các nữ sinh Huế bị bắt, đồng thời yêu sách cải tổ chính sách giáo dục.

Các cuộc bãi khoá của học sinh, sinh viên Sài Gòn liên tiếp nổ ra, đưa ra các yêu sách: Chấm dứt khủng bố, đàn áp bắt bớ học sinh; trả tự do cho các học sinh bị bắt sau ngày chống bù nhìn Bảo Đại; bảo đảm an ninh và quyền lợi học tập của học sinh.

Giữa lúc ở Huế, Sài Gòn không khí tranh đấu đang sôi nổi, tại Hà Nội, học sinh cũng đang căm tức vì Pháp và bù nhìn bắt bớ một số anh chị em sau kỳ nghỉ học kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám. Học sinh Chu Văn An quyết định bãi khoá ngày 25/11/1949, trong các lớp trên tường la liệt khẩu hiệu. Toàn trường vang dậy những khẩu hiệu “học sinh bãi khoá”, “trả lại tự do cho bạn chúng ta”, “đả đảo bù nhìn”.

Ngày 09/01/1950, Đoàn Thanh niên cứu quốc và Đoàn học sinh Sài Gòn – Chợ Lớn đã vận động và tổ chức cho hơn 2.000 học sinh, sinh viên các trường cùng nhiều giáo viên và 7.000 Nhân dân Sài Gòn – Chợ Lớn biểu tình đòi đảm bảo an ninh cho học sinh, sinh viên học tập và trả tự do cho những học sinh, sinh viên bị bắt và mở lại trường học. Đoàn biểu tình đã bị đàn áp dã man. Cuộc đàn áp đẫm máu ngày 09/01/1950 và tinh thần chiến đấu hy sinh oanh liệt của anh Trần Văn Ơn làm dấy lên trong học sinh, sinh viên và Nhân dân Sài Gòn – Chợ Lớn lòng căm thù giặc và ý chí đấu tranh kiên quyết chống thực dân Pháp xâm lược và bè lũ tay sai.

Với sự kiện lịch sử đó, noi gương và ghi nhận tinh thần đấu tranh bất khuất của anh Trần Văn Ơn và học sinh, sinh viên trong những ngày đầu kháng chiến, Đại hội toàn quốc Liên đoàn thanh niên Việt Nam lần thứ nhất tháng 2 năm 1950 tại Việt Bắc đã quyết định lấy ngày 9 tháng 1 hàng năm làm Ngày truyền thống học sinh – sinh viên. Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ V (22-23/11/1993) tại Thủ đô Hà Nội đã quyết định đồng thời lấy ngày 9 tháng 1 làm Ngày truyền thống của Hội Sinh viên Việt Nam.

Nguồn: Kim Yến (Trang điện tử BQL Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh)

 

03/02/1930: NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

(Đề cương tuyên truyền sẽ đăng trên Trang thông tin điện tử Tỉnh Đoàn: http://www.doanthanhnienninhthuan.org.vn)

 

27/2/1955: NGÀY THẦY THUỐC VIỆT NAM

 

Ngày 27/2/1955, nhân dịp tổ chức hội nghị cán bộ y tế, Bác Hồ đã gửi thư cho Hội nghị căn dặn ba điều:

“Trước hết là phải thật thà đoàn kết – Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta. Đoàn kết thì vượt được mọi khó khăn, giành được nhiều thành tích.

Đoàn kết giữa cán bộ cũ và cán bộ mới. Đoàn kết giữa tất cả những người trong ngành y tế, từ các bộ trưởng, thứ trưởng, bác sỹ, dược sỹ cho đến các anh chị em giúp việc. Bởi vì công việc và địa vị tuy có khác nhau, nhưng người nào cũng là một bộ phận cần thiết trong ngành y tế, trong việc phục vụ nhân dân. 

Thương yêu người bệnh- Người bệnh phó thác tính mạng của họ nơi các cô các chú. Chính phủ phó thác cho các cô các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khoẻ cho đồng bào. Đó là nhiệm vụ rất vẻ vang.

Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn.“ Lương y phải như từ mẫu”, câu nói ấy rất đúng.

Xây dựng một nền y học của ta- Trong những năm nước ta bị nô lệ thì y học cũng như các ngành khác đều bị kìm hãm. Nay chúng ta đã độc lập tự do, cán bộ cần giúp đồng bào, giúp chính phủ xây dựng một nền y tế thích hợp vơí nhu cầu của nhân dân ta. Y học cần phải dựa trên nguyên tắc: khoa học, dân tộc và đại chúng.

Ông cha ta ngày trước có nhiều kinh nghiệm quí báu về cách chữa bệnh bằng thuốc ta, thuốc bắc. Để mở rộng phạm vi y học, các cô, các chú cũng nên chú trọng nghiên cưú và phối hợp thuốc “ Đông” và thuốc “ Tây”.

Vì ý nghĩa sâu sắc của bức thư này, từ năm 1985, ngày 27 tháng 2 được chọn là Ngày thầy thuốc Việt Nam.

Theo Báo Nhân Dân, số 362, ngày 27/2/1955


 

Tác giả bài viết: Huyện đoàn Nam Trà My

loading...

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây