Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

Thứ bảy - 02/12/2023 02:29 86 0
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là một nhân vật lịch sử, một danh tướng thời đại Hồ Chí Minh, cuộc đời và sự nghiệp không chỉ giới hạn trong lĩnh vực quân sự. Từ một vị tướng cầm quân đánh giặc đến trọng trách lãnh đạo công tác tư tưởng, công tác thanh niên, lãnh đạo một ngành kinh tế trọng yếu của đất nước là nông nghiệp, Đại tướng đều ghi những dấu ấn lịch sử.
Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
h1

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tên khai sinh là Nguyễn Vịnh, sinh ngày 01/01/1914 trong một gia đình nông dân tại xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên (nay là Thừa Thiên Huế).

Năm 1933 - 1934, Nguyễn Vịnh được giác ngộ, tham gia phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương. Tháng 7/1937, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1938, Đồng chí được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên.

Cuối năm 1938, Đồng chí bị địch bắt nhưng được thả do không đủ bằng chứng. Giữa năm 1939 đến cuối năm 1941, Đồng chí bị địch bắt lần thứ hai. Đầu năm 1942, Đồng chí đào thoát khỏi nhà tù bí mật về Quảng Điền, cùng một số đồng chí khác thành lập Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Thừa Thiên. Tháng 7/1943, trên đường công tác, Đồng chí bị địch bắt lần thứ ba và đưa trở lại Nhà đày Buôn Ma Thuột.

Sau sự kiện Nhật đảo chính Pháp tháng 3/1945, Đồng chí được trả tự do và tiếp tục hoạt động cách mạng ở Trung Bộ để chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền. Tại Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang (13-15/8/1945), Đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên là Nguyễn Chí Thanh.

Ngày 31/8/1945, Hội nghị đại biểu các tỉnh Trung Bộ tại Huế đã quyết định thành lập Đảng bộ Đảng Cộng sản Đông Dương ở Trung Bộ và bầu đồng chí Nguyễn Chí Thanh làm Bí thư Xứ ủy Trung Bộ. Cuối năm 1946 đến năm 1949, Đồng chí được chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên, Bí thư Phân khu ủy Bình - Trị - Thiên, Bí thư Liên khu ủy khu IV.

Đầu năm 1950, Đồng chí được phân công phụ trách Ban Tuyên huấn Trung ương, được bầu làm Chủ tịch Liên đoàn Thanh niên Việt Nam.

Tháng 7/1950, Đồng chí được điều động vào Quân đội, giữ chức vụ Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Phó Bí thư Tổng Chính ủy.

Tháng 02/1951, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng tổ chức tại Tuyên Quang, Đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được Trung ương bầu vào Bộ Chính trị. Tháng 7/1951 đến cuối năm 1960, Đồng chí được cử làm Giám đốc Trường Chính trị trung cấp Quân đội, nay là Học viện Chính trị.

Năm 1959, Đồng chí được phong quân hàm Đại tướng Quân đội nhân dân Việt Nam.

Năm 1960, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, được bầu vào Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương.

Năm 1961, miền Bắc đang trong quá trình hợp tác hóa mạnh mẽ, nông nghiệp trở thành mặt trận hàng đầu, Đồng chí được giao nhiệm vụ Trưởng ban Công tác nông thôn Trung ương.

Cuối năm 1964, chiến lược “chiến tranh đặc biệt” bị phá sản, đế quốc Mỹ chuẩn bị trực tiếp đưa quân vào xâm lược nước ta, Đồng chí được điều động vào miền Nam công tác, giữ chức vụ Bí thư Trung ương Cục kiêm Chính ủy quân giải phóng miền Nam.

Tháng 6/1967, theo yêu cầu của Trung ương, Đồng chí ra Hà Nội để báo cáo tình hình, kế hoạch hoạt động của các chiến trường và nhận thêm chỉ thị mới. Ngày 06/7/1967, đúng vào ngày lên đường trở lại chiến trường miền Nam, Đồng chí đột ngột qua đời sau một cơn đau tim nặng.

Do có nhiều đóng góp xuất sắc đối với cách mạng, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã được Đảng, Nhà nước tặng, truy tặng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh hạng nhất, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Với 53 tuổi đời, hơn 30 năm cống hiến cho Đảng và Nhân dân, cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là một tấm gương sáng ngời của một người cộng sản kiên trung, mẫu mực; một nhà lãnh đạo tài năng; một người con ưu tú của dân tộc; người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Là vị Đại tướng Quân đội, nhưng được cử sang phụ trách lĩnh vực hoàn toàn khác, đó là nông nghiệp, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã chỉ đạo quyết liệt trong xây dựng hợp tác hóa nông nghiệp, đưa nông dân vào con đường làm ăn tập thể. Đại tướng luôn luôn bám sát cơ sở, cùng ăn, cùng làm với người nông dân nên tư duy lý luận luôn đi liền với thực tiễn. Đại tướng là người đã cùng với đội ngũ cán bộ lãnh đạo ngành nông nghiệp và các nhà khoa học ngày đêm nghiên cứu phát triển sản xuất, đẩy mạnh thâm canh, tăng năng suất lúa và cây trồng, đồng thời phát động làm dậy lên Phong trào “Gió Đại Phong”. Đại tướng được nhân dân kính trọng gọi là “Đại tướng nông dân”.

Trong lĩnh vực quân sự, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là nhà chiến lược, đặt cơ sở lý luận cho cách đánh của chiến tranh nhân dân trên mảnh đất Bình-Trị-Thiên trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, “linh hồn” của cuộc kháng chiến tại đây. Năm 1964, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn là người đại diện cho Bộ Chính trị vào miền Nam chỉ đạo cuộc đấu tranh cách mạng với đối tượng trực tiếp là quân đội Mỹ, chư hầu và ngụy quân Sài Gòn. Đồng chí vào Nam để tìm phương án đánh Mỹ và khẳng định quyết tâm thắng Mỹ. Ở chiến trường miền Nam, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh khẳng định với niềm tin tuyệt đối là ta đánh được Mỹ và thắng được Mỹ, vấn đề cốt tử là dám đánh và phải có cách đánh phù hợp. Từ thực tiễn chiến đấu của đồng bào, chiến sĩ, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã nắm và khái quát thành phương châm “Nắm thắt lưng địch mà đánh”, hạn chế được thế mạnh hỏa lực và pháo binh dường như tuyệt đối của quân Mỹ, để rồi sau những trận thử lửa đã đi tới khẳng định chắc chắn: “Từ giữa đến cuối năm 1964, sau Chiến dịch Bình Giã, Mỹ đã thấy rõ nguy cơ thất bại. Và đến đầu năm 1965, chúng đã phải thừa nhận rằng về quân sự chúng đã mất, ta đã giành được quyền chủ động trên chiến trường; về chính trị, tay sai chúng đã ở trước ngưỡng cửa của sự sụp đổ hoàn toàn, còn ta thì đã nắm được ưu thế cả quân sự, chính trị và tinh thần”.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là một nhân vật lịch sử, một danh tướng thời đại Hồ Chí Minh, cuộc đời và sự nghiệp không chỉ giới hạn trong lĩnh vực quân sự. Từ một vị tướng cầm quân đánh giặc đến trọng trách lãnh đạo công tác tư tưởng, công tác thanh niên, lãnh đạo một ngành kinh tế trọng yếu của đất nước là nông nghiệp, Đại tướng đều ghi những dấu ấn lịch sử. Cả cuộc đời Đại tướng Nguyễn Chí Thanh luôn rèn luyện, tu dưỡng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, sống trong sạch, vì dân, vì nước, không gợn chút riêng tư; một con người khiêm tốn, giản dị, ham học hỏi, sống đoàn kết, nghĩa tình, hết lòng yêu thương đồng chí, đồng bào. Đạo đức trong sáng, mẫu mực của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là một tấm gương cụ thể, gần gũi để các thế hệ hôm nay và mai sau noi theo, học tập.

Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của đồng chí Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, người cộng sản kiên cường, bất khuất, trung thành vô hạn với lý tưởng cách mạng, một nhà lãnh đạo tài năng của Đảng ta, một người chỉ huy mưu lược, tài trí, dũng cảm của lực lượng vũ trang, một danh tướng thời đại Hồ Chí Minh, người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc là dịp để chúng ta ôn lại cuộc đời hoạt động và những cống hiến to lớn của Đồng chí đối với Đảng và cách mạng Việt Nam. Đồng thời, qua đó tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng, lịch sử, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, khơi dậy khát vọng xây dựng, phát triển đất nước hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc.

Nguồn tin: Huyện đoàn Nam Trà My:

loading...

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây