Năm 2020: TUỔI TRẺ NAM TRÀ MY TỰ HÀO TIẾN BƯỚI DƯỚI CỜ ĐẢNG!

Danh mục

Thống kê

  • Đang truy cập: 2
  • Hôm nay: 129
  • Tháng hiện tại: 8596
  • Tổng lượt truy cập: 1576660

TÀI LIỆU SINH HOẠT CHI ĐOÀN THÁNG 9/2019

Đăng lúc: Thứ ba - 10/09/2019 10:21 - Người đăng bài viết: Lê Quang Lưu
TÀI LIỆU SINH HOẠT CHI ĐOÀN THÁNG 9/2019
KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY SINH ĐỒNG CHÍ ĐÀM MINH VIỄN
(1919 - 2019) – NGƯỜI PHỤ TRÁCH ĐẦU TIÊN CỦA TỔ CHỨC
ĐỘI TNTP HỒ CHÍ MINH, TẤM GƯƠNG SÁNG CỦA
THẾ HỆ TRẺ VIỆT NAM
 
I. KHÁI LƯỢC VỀ TIỂU SỬ VÀ QUÁ TRÌNH HOẠT ĐỘNG CÁCH MẠNG CỦA ĐỒNG CHÍ ĐÀM MINH VIỄN
1. Hoàn cảnh lịch sử
Dưới ánh sáng chủ nghĩa Mác – Lênin do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc truyền bá vào trong nước, ở Cao Bằng đã xuất hiện các tổ chức yêu nước như Hội đánh Tây, Hội thanh niên phản đế… thu hút nhiều thanh niên yêu nước, tiến bộ tham gia, trong đó nổi bật và có ảnh hưởng hơn cả là vai trò của đồng chí Hoàng Đình Giong – lãnh đạo tiền bối tiểu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam. Đến những năm 1929 – 1930, nhiều tổ chức cơ sở của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên được thành lập ở các châu Hòa An, Hà Quảng và khu mỏ Tĩnh Túc (Nguyên Bình). Chưa đầy hai tháng sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (ngày 03/02/1930), ngày 01/4/1930, chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của Cao Bằng đã được thành lập, làm nhiệm vụ như Tỉnh ủy lâm thời, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng toàn tỉnh.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào đấu tranh cách mạng của Cao Bằng đã có bước phát triển vượt bậc, hội tụ đủ các điều kiện “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để ngày 28/01/1941, sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, Cao Bằng vinh dự được đón lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Người chọn Pác Bó (thuộc xã Trường Hà, châu Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) làm nơi “đứng chân” để xây dựng căn cứ địa cách mạng, từ đó chỉ đạo phong trào cách mạng cả nước. Nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng nói chung và huyện Hà Quảng nói riêng đã tích cực tham gia kháng chiến dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ.
Đặc biệt, Người luôn chú ý tới lực lượng thanh thiếu nhi, tập hợp, tổ chức và đoàn kết họ lại thành lực lượng cách mạng góp vào lực lượng toàn dân tham gia kháng chiến kiến quốc; hai trong những tổ chức đó chính là tổ chức Đoàn Thanh niên cứu quốc (tiền thân của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) và Đội Nhi đồng cứu quốc (tiền thân của Đội TNTP Hồ Chí Minh ngày nay). Bác giao phó nhiệm vụ thành lập tổ chức Đoàn, Đội trong thời kỳ này cho đồng chí Đàm Minh Viễn (bí danh Đức Thanh).
Ở Hà Quảng ngày ấy, có rất nhiều người đi theo cách mạng, bởi lẽ từ người già, thanh niên, trẻ nhỏ đều nhận thấy rằng tội ác của thực dân Pháp đã cướp đoạt đi quyền được sống, được học tập, tự do của biết bao người dân vô tội. Tại các xã Sóc Hà, Nà Sác, Quý Quân phong trào chống Pháp nổ ra rất sớm với sự tham gia của nhiều thanh thiếu niên ưu tú. Đồng chí Đàm Minh Viễn  là một trong những thanh thiếu niên nhanh nhẹn, thông minh mang trong mình những phẩm chất đáng quý của người con dân tộc sinh ra và trưởng thành trên quê hương cách mạng. Chính tinh thần xung kích, nhiệt tình tham gia các phong trào đã đưa đồng chí tới với cơ duyên là người được Bác Hồ lựa chọn, giao trọng trách lớn lao cho tổ chức Đoàn - Đội.
2. Tóm tắt tiểu sử đồng chí Đàm Minh Viễn
Đồng chí Đàm Minh Viễn (tên thật là Đàm Văn Lân, các bí danh là Kỳ Sư, Đức Thanh), dân tộc Tày, sinh ngày 18/9/1919 tại làng Nà Nghiềng, xã Sóc Hà, huyện Hà Quảng. Xuất thân trong một gia đình có truyền thống yêu nước, được nuôi dưỡng từ truyền thống kiên cường, bất khuất của quê hương, đồng chí đã sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng và tham gia phong trào yêu nước từ năm 1930, khi mới 11 tuổi.
Năm 1940, Đàm Minh Viễn vinh dự trở thành một trong 40 học trò được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp rèn luyện tại Trung Quốc. Từ khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước, đồng chí được trực tiếp làm việc bên cạnh Người tại hang Pác Bó và được giao nhiều trọng trách quan trọng: Là người tổ chức Đoàn Thanh niên Cứu quốc đầu tiên (ngày 20/4/1941), Đội Nhi đồng Cứu quốc đầu tiên (ngày 15/5/1941); phụ trách Hội thanh niên cứu quốc tỉnh - Bí thư đầu tiên của Tỉnh Đoàn thanh niên Cao Bằng (ngày 22/11/1942); tổ chức thành công Đại hội học sinh (còn gọi là Đại hội "Mầm non văn hóa") (tháng 01/1943). Những năm 1942 – 1943, đồng chí tham gia cuộc "Nam tiến" lần thứ nhất và được giao nhiệm vụ chỉ huy đội quân du kích, tổ chức mở đường “Đông tiến” từ Cao Bằng xuống Lạng Sơn. Đến tháng 11/1945, đồng chí Đàm Minh Viễn tham gia đoàn quân Nam Tiến. Tháng 12/1945 đồng chí được cử giữ chức Chủ nhiệm Tham mưu quân sự của Ủy ban kháng chiến miền Nam.
Giữa năm 1946, đồng chí hy sinh tại phòng tuyến mặt trận Gia Lai.
3. Quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí Đàm Minh Viễn
Những năm 1940 của thế kỷ XX, thực dân Pháp và tay sai ra sức khủng bố, gây cho phong trào cách mạng nhiều khó khăn, thách thức. Trước tình hình đó, Châu ủy Hà Quảng chủ trương rút vào hoạt động bí mật và đưa một số đảng viên cốt cán và quần chúng trung kiên sang biên giới để tránh sự truy lùng của thực dân Pháp và tiếp tục hoạt động chờ thời cơ để về nước, trong đó có đồng chí Đàm Minh Viễn. Cùng đồng chí Lê Quảng Ba, đồng chí Đàm Minh Viễn lánh sang Tịnh Tây, Trung Quốc. Sau đó, đồng chí vinh dự là một trong 40 học trò tham dự lớp huấn luyện cách mạng ở Nặm Quang, Ngàm Tảy (Trung Quốc) do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và các đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Phùng Chí Kiên trực tiếp giảng dạy và rèn luyện năm 1941, khi đang trên đường về nước.
Sau khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc  về nước (28/01/1941) trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, đồng chí Đàm Minh Viễn được cử trực tiếp làm việc bên cạnh Người trong hang Cốc Bó và được giao nhiệm vụ tuyên truyền, giác ngộ cách mạng cho thanh thiếu nhi khu vực Pác Bó và làng Nà Mạ, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng để tổ chức thành lập Đoàn Thanh niên cứu quốc và Hội nhi đồng Cứu quốc. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã giao đồng chí Đàm Minh Viễn căn cứ vào bản Điều lệ Việt Minh và Điều lệ của các tổ chức quần chúng khác để soạn thảo bản dự thảo đầu tiên Điều lệ Đoàn Thanh niên cứu quốc và trình với Người; sau đó tổ chức in ngay trong hang Cốc Pó, nơi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đặt cơ quan của Đảng và Tổng bộ Việt Minh. Đồng chí tuyên truyền bản Điều lệ Đoàn Thanh niên cứu quốc và giác ngộ, bồi dưỡng được một số thanh niên yêu nước đầu tiên tại Nà Mạ như các đồng chí: Phục Hưng, Phục Quốc, Bát Ngư... Thực hiện chỉ thị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, ngày 20/4/1941, Chi đoàn thanh niên cứu quốc đầu tiên ra đời tại vùng Nà Mạ - Pài Cốc do đồng chí Đàm Minh Viễn (bí danh Đức Thanh) làm Bí thư.
Đồng thời, được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ, đồng chí Đàm Minh Viễn đã trực tiếp tuyên truyền, giác ngộ cách mạng và tổ chức thành lập Đội Nhi đồng Cứu quốc – tiền thân của Đội TNTP Hồ Chí Minh - vào ngày 15/5/1941, tại đồi Thoong Mạ, xã Trường Hà, châu Hà Quảng. Đội gồm 05 thành viên: Nông Văn Dền (bí danh Kim Đồng), Nông Văn Thàn (bí danh Cao Sơn), Lý Văn Tinh (bí danh Thanh Minh), Lý Thị Nì (bí danh Thủy Tiên), Lý Thị Xậu (bí danh Thanh Thủy), Kim Đồng được bầu làm đội trưởng. Các đội viên đầu tiên được đồng chí Đàm Minh Viễn trực tiếp dạy văn hóa, dạy chữ, dạy các em biết lẽ phải, biết "làm cách mạng". Từ đây, ngày 15/5 hằng năm đã trở thành ngày kỷ niệm thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh.
Tháng 5/1941, Hội nghị lần thứ 8 của Trung ương Đảng họp tại Pác Bó đã xác định: "Việt Nam thanh niên cứu quốc Đoàn từ nay là Đoàn thể của tất thảy thanh niên từ 18 đến 22 tuổi muốn tranh đấu đánh Pháp, đuổi Nhật". Sau Hội nghị, đội ngũ cán bộ cách mạng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Đảng ta đào tạo, bồi dưỡng đã được phân công tỏa về các địa phương trong cả nước để cùng cán bộ, đảng viên vận động phong trào cách mạng với quyết tâm cao. Từ đó, phong trào cách mạng trong thiếu niên nhi đồng và thanh niên lan rộng từ Hà Quảng đến các khắp các địa phương trong tỉnh. Tổ chức Việt Minh có mặt ở đâu thì ở đó có tổ chức Đoàn Thanh niên cứu quốc, Đoàn dìu dắt Đội Nhi đồng cứu quốc.
Đến tháng 6/1941, tại Đại hội Đảng bộ châu Hà Quảng lần thứ nhất, đồng chí Đàm Minh Viễn và các đồng chí Lê Quảng Ba, Hoàng Tô, Hoàng Sâm, Thụy Hùng được tín nhiệm bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ châu khóa I do đồng chí Lê Quảng Ba làm Bí thư Châu ủy.
Tháng 10/1941, thực hiện chỉ thị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Đội du kích Pác Bó - đội vũ trang tập trung đầu tiên của tỉnh Cao Bằng được thành lập với 12 đội viên, trong đó có đồng chí Đàm Minh Viễn
Sự phát triển mạnh mẽ của phong trào quần chúng đã đưa tới sự ra đời Ban Việt Minh các châu, các tổng. Ngày 20/8/1942, tại Đại hội đại biểu Việt Minh toàn châu Hà Quảng tại Lũng Loỏng (xã Nà Sác) đã bầu ra Ban Việt Minh châu SR. Các đồng chí Hoàng Tô, Nông Thị Trưng, Dương Đại Lâm, Tư Bào, Đàm Minh Viễn được các đại biểu tín nhiệm bầu vào Ban Việt Minh Châu; trong đó đồng chí Đàm Minh Viễn phụ trách Hội Thanh niên cứu quốc, Hội nhi đồng cứu quốc huyện Hà Quảng.
Trên cơ sở phong trào Việt Minh phát triển đều, rộng khắp các địa phương trong tỉnh, ngày 22/11/1942, tại thành Nhà Mạc vùng núi Lam Sơn (châu Hòa An) đã tổ chức Đại hội đại biểu Việt Minh toàn tỉnh lần thứ I. Tại Đại hội, các đoàn thể cứu quốc như Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Nông dân cứu quốc... đã tiến hành họp hội nghị để kiểm điểm tình hình hoạt động của Hội và bầu ra ban chấp hành của các Hội cứu quốc toàn tỉnh. Đồng chí Đàm Minh Viễn được bầu phụ trách Hội Thanh niên cứu quốc tỉnh - Bí thư Tỉnh Đoàn thanh niên đầu tiên và tham gia làm thành viên của Tỉnh bộ Việt Minh Cao Bằng.
Được Tỉnh uỷ Cao Bằng giao nhiệm vụ, tháng 01/1943, đồng chí Đàm Minh Viễn cùng các đồng chí phụ trách tổ chức Hội thanh niên cứu quốc Cao Bằng đã tổ chức thành công Đại hội học sinh (còn gọi là đại hội "Mầm non văn hóa") tại Bản Hoong, xã Trường Hà, châu Hà Quảng thu hút hơn 1.000 học sinh đến dự, đánh dấu bước phát triển mới của phong trào thanh thiếu niên yêu nước trong tỉnh.
Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, từ tháng 12/1942 đến giữa năm 1943, cuộc “Nam tiến” lần thứ nhất được thực hiện. Đồng chí Đàm Minh Viễn tham gia tuyến thứ hai và được giao nhiệm vụ chỉ huy phân đội du kích, tổ chức mở đường “Đông tiến” từ Cao Bằng nhằm hướng Đông Nam tiến quân qua châu Thạch An, xuống Tràng Định, Bình Gia (tỉnh Lạng Sơn). Trên đường đi, đồng chí đã tham gia gây dựng phong trào cách mạng tại xã Canh Tân, châu Thạch An; mở lớp huấn luyện về công tác tuyên truyền Việt Minh cho cán bộ 03 xã Canh Tân, Minh Khai, Quang Trọng (châu Thạch An); chỉ đạo Ban chấp hành Việt Minh châu Thạch An tổ chức mít tinh kêu gọi nhân dân ủng hộ Việt Minh (tháng 6/1943); sau đó, đồng chí được giao trực tiếp phụ trách việc tuyên truyền Việt Minh tại xã Canh Tân; cùng đồng chí Đa Phú tổ chức lớp huấn luyện 15 ngày về lý thuyết và thực hành dự lán, đào hầm công sự để luyện tập cho 100 người tại khau Bóoc Lương thuộc Nặm Tàn (xã Minh Khai, châu Thạch An).
Bước sang năm 1945, phong trào cách mạng tiếp tục phát triển mạnh mẽ và lan rộng, đồng chí Đàm Minh Viễn lãnh đạo trực tiếp thay mặt cấp trên đã giao nhiệm vụ cho phân đội thuộc Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân của tỉnh "chủ yếu là Nam tiến, trước mắt là Đông tiến mở đường giao thông liên lạc tới Lạng Sơn và mở rộng căn cứ Cao Bằng đến các huyện thuộc Lạng Sơn". Từ ngày 25/4/1945 đến ngày 6/7/1945, đồng chí Đàm Minh Viễn chỉ huy phân đội du kích từ Cao Bằng qua Thạch An, xuống Tràng Định đến Bình Gia, Bắc Sơn (tỉnh Lạng Sơn) đánh và truy quét bọn phản động, bọn bảo an, đánh chiếm nhiều đồn bốt của địch, thu nhiều vũ khí, lương thực cho nhân dân; đồng thời tuyên truyền, vận động nhân dân và quân lính thuộc hàng ngũ của địch đi theo Việt Minh, tham gia giành chính quyền ở tỉnh Lạng Sơn.
 Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vừa thành công, nước Việt Nam non trẻ mới ra đời, thực dân Pháp đã quay lại xâm lượng nước ta một lần nữa. Tháng tháng 11/1945, đồng chí Đàm Minh Viễn được Bác Hồ trực tiếp giao nhiệm vụ chuyển chỉ thị "Kháng chiến kiến quốc", đồng thời chỉ huy một Trung đoàn vào miền Nam chống thực dân Pháp xâm lược, tham gia chiến đấu và chỉ huy nhiều trận đánh giành thắng lợi lớn tại Mặt trận Sài Gòn – Chợ Lớn. Trước sự phát triển nhanh chóng trên các mặt trận, được sự chỉ đạo của Trung ương, ngày 10/12/1945, Xứ ủy Nam Bộ triệu tập hội nghị mở rộng tại Hòa Bình Nam (nay thuộc xã Đức Huệ, tỉnh Long An), có các xứ ủy viên và một số cán bộ tham dự. Hội nghị bàn về thực hiện chỉ thị "Kháng chiến kiến quốc" của Trung ương, đã quyết định giải thể Ủy ban kháng chiến Nam bộ, thành lập Ủy ban kháng chiến miền Nam do Cao Hồng Lãnh làm Chủ tịch, Đàm Minh Viễn làm chủ nhiệm Tham mưu, Trần Ngọc Danh làm Chủ nhiệm Chính trị, Tôn Đức Thắng làm Chủ nhiệm Hậu Cần; thành lập 3 chiến khu ở Nam Bộ và bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo cho 3 chiến khu.
 Với cương vị là Chủ nhiệm Tham mưu Ủy ban kháng chiến miền Nam, đồng chí Đàm Minh Viễn đã có nhiều hoạt động góp phần vào thắng lợi chung trong thời kỳ cách mạng đầy cam go, chính quyền cách mạng và vận mệnh quốc gia đang trong tình thế "ngàn cân treo sợi tóc". Sau Hội nghị Xứ ủy Nam Bộ, đồng chí được giao trực tiếp chỉ huy một đơn vị bộ đội cấp Trung đoàn. Tại mặt trận Tây Nguyên, đồng chí được cử giữ chức Tư lệnh phó Uỷ ban kháng chiến miền Nam Liên Khu V. Giữa năm 1946, đồng chí Đàm Minh Viễn và Bộ chỉ huy Đoàn 23 tổ chức lập phòng tuyến mặt trận Gia Lai; trong một trận chiến ác liệt tại xã YATUM, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai, gần biên giới Cam Pu Chia, đồng chí Đàm Minh Viễn đã hy sinh anh dũng.
Ghi nhận những đóng góp và cống hiến của đồng chí Đàm Minh, Đảng và Nhà nước đã truy tặng đồng chí nhiều phần thưởng cao quý: Ngày 25/9/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký truy tặng Huân chương Chiến thắng hạng Nhất cho 05 liệt sỹ trong đó có ghi "Đàm Minh Viễn, Tư lệnh Phó Ủy ban Kháng chiến miền Nam Liên khu V”. Tấm bằng Tổ quốc ghi công đồng chí Đàm Văn Lân - Đàm Minh Viễn ghi: “Trung đoàn trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam đã hy sinh anh dũng trong cuộc kháng chiến chống Pháp".
II. NHỮNG ĐÓNG GÓP QUAN TRỌNG CỦA ĐỒNG CHÍ ĐÀM MINH VIỄN VỚI TỔ CHỨC ĐOÀN - ĐỘI VÀ CÁCH MẠNG VIỆT NAM
Đồng chí Đàm Minh Viễn một trong những người học trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh vinh dự được Bác trực tiếp giáo dục, rèn luyện. Tinh thần yêu nước và truyền thống cách mạng của quê hương, gia đình luôn là động lực để đồng chí vượt qua khó khăn, gian khổ hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao phó, hiến dâng tuổi trẻ của mình vì độc lập, tự do của dân tộc.
Đồng chí Đàm Minh Viễn đã có những đóng góp quan trọng đối với sự hình thành và phát triển của tổ chức Đoàn thanh niên cứu quốc Việt Nam. Được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ, đồng chí đã soạn thảo bản dự thảo Điều lệ Đoàn Thanh niên cứu quốc, tổ chức thành lập Chi đoàn Thanh niên cứu quốc đầu tiên của tỉnh do đồng chí làm Bí thư. Từ những ngày đầu thành lập, vượt qua mọi nguy hiểm, khó khăn, đồng chí Đàm Minh Viễn đã tăng cường tuyên truyền, giáo dục về Đoàn, thu hút được nhiều thanh niên tham gia, từ đó tăng cường lan tỏa tinh thần cách mạng đến những người trẻ tuổi để tổ chức Đoàn Thanh niên cứu quốc thực sự là "đoàn thể của tất thảy thanh niên... muốn đánh Pháp, đuổi Nhật".
Đồng chí Đàm Minh Viễn có vai trò quan trọng trong quá trình hình thành đầu tiên và những chiến công đầu tiên của tổ chức Đội. Là người được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tin tưởng giao nhiệm vụ tổ chức Hội Nhi đồng Cứu quốc, đồng chí đã trực tiếp soạn thảo Điều lệ Đội Nhi đồng Cứu quốc; lựa chọn, bồi dưỡng, giáo dục 05 thiếu nhi dũng cảm của quê hương Nà Mạ để từ đó thành lập Hội Nhi đồng Cứu quốc đầu tiên; chăm lo, bồi dưỡng, dìu dắt các đội viên thực hiện nhiệm vụ của Đảng, Bác giao phó. Những cống hiến, đóng góp của đồng chí đã góp phần đưa tổ chức Đội ngày càng trở nên vững mạnh.
“Là một con người sắc sảo, có tác phong hoạt động rất linh hoạt, dũng cảm… khả năng và trình độ quân sự khá... có biệt tài trong công tác vận động quần chúng… rất quý, rất có lợi cho cách mạng”. Không chỉ đóng góp cho tổ chức Đoàn - Đội, đồng chí Đàm Minh Viễn còn là người chiến sỹ cộng sản kiên trung, là Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ châu Hà Quảng khóa I, Bí thư Tỉnh Đoàn thanh niên đầu tiên, Ủy viên Ban Việt Minh tỉnh Cao Bằng, tham gia chỉ huy đoàn quân “Đông tiến” gây dựng, chỉ đạo, huấn luyện Việt Minh cho một số xã, một số châu thuộc tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn. Trong quá trình tham gia hoạt động cách mạng, đồng chí đã bộc lộ tư chất, tài năng của người cán bộ cách mạng và được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc phát hiện, dìu dắt. Chính vì thế, khi cuộc Nam Bộ kháng chiến bắt đầu, đồng chí đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng giao nhiệm vụ trực tiếp chuyển chỉ thị “Kháng chiến kiến quốc”, đồng thời chỉ huy một Trung đoàn vào miền Nam chống thực dân Pháp xâm lược với tên mới do Người đặt cho là Minh Viễn. Cái tên này mang nhiều ý nghĩa, như Bác Hồ căn dặn: “Trong tình hình gay go "Ngàn cân treo sợi tóc" này, mỗi quyết định, mỗi hành động của người chỉ huy liên quan đến vận mệnh của nhiều người, liên quan đến vận mệnh quốc gia cho nên phải có tâm thật trong sáng và sáng mãi, có tầm nhìn xa, trông rộng”.
Giữa năm 1946, trong một trận chiến đấu ác liệt tại Mặt trận Tây Nguyên, đồng chí Đàm Minh Viễn đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng và hy sinh anh dũng, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho đồng bào, đồng chí. Đồng chí hy sinh khi mới 27 tuổi xuân, trong đó có hơn 16 năm liên tục hoạt động, cống hiến cho Đảng, cho cách mạng, khi đang mang trong mình đầy nhiệt huyết của ngọn lửa cách mạng và người cán bộ, người chỉ huy từng được Bác Hồ tin tưởng giao trọng trách. Cuộc đời hoạt động của đồng chí là tấm gương cho tinh thần ham học hỏi, sáng tạo, nhiệt huyết, say mê cống hiến nguyện chiến đấu, xả thân mình vì quê hương, vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
*
Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Đàm Minh Viễn (18/9/1919 – 18/9/2019) - Người phụ trách đầu tiên của tổ chức Đội TNTP Hồ Chí Minh, tấm gương sáng của thế hệ trẻ Việt Nam, chúng ta cùng ôn lại cuộc đời hoạt động, ý chí bất khuất, kiên cường và những đóng góp quan trọng của đồng chí cho tổ chức Đoàn - Đội cũng như đối với cách mạng Việt Nam. Thế hệ trẻ hôm nay nguyện noi gương đồng chí, quyết tâm học tập, lao động, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng tươi đẹp; là lực lượng đấu tranh không khoan nhượng với những hiện tượng tiêu cực và tệ nạn xã hội; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Noi gương sáng của đồng chí Đàm Minh Viễn, thế hệ trẻ hôm nay sẽ viết tiếp những trang sử vàng chói lọi của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, của dân tộc Việt Nam anh hùng trên những chặng đường mới.
                                     ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH TỈNH CAO BẰNG
 
 

Nguồn tin: HUYỆN ĐOÀN NAM TRÀ MY
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Giới thiệu chung

Các đồng chí BTV huyện đoàn Nam Trà My khóa XV (Nhiệm Kỳ 2017-2022)

  Đồng chí: Nguyễn Thị Huyền Trang Chức vụ: Bí Thư huyện Đoàn - Chủ Tịch Hội đồng đội - Chủ tịch Hội LHTNVN huyện   Số điện thoại: 0963111054 Email: huyentrangtptkd@gmail.com Đồng chí: Dương Minh Trí Chức vụ: Ủy viên Ban Thường vụ - Phó Chủ Tịch Hội đồng đội - PCT Hội...

Liên kết

logokn
spkn
undefined
bnvieclam
logobantin copy
ytuong
TT Huyện Đoàn
0510.3880166 - 0510.3880038

Điều hành - Liên kết