Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại luôn dành những tình cảm tốt đẹp cũng như thời gian, công sức, trí tuệ của mình để giáo dục, bồi dưỡng các thế hệ thanh niên Việt Nam đến với cách mạng, tham gia vào quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc… Bởi theo Người thanh niên luôn là lực lượng tiên phong, xung kích trên các mặt trận, góp phần xây dựng hoà bình. Bác rất tin tưởng ở thanh niên - lực lượng hậu bị của Đảng và là lực lượng cách mạng cho đời sau.
Ngay từ thời trẻ, Người đã ý thức được vai trò của thanh niên trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc là vô cùng to lớn. Như tình cảm của một người cha đối với con, Bác Hồ hiểu rõ những ưu, nhược điểm của thanh niên nước ta. Bác luôn căn dặn thanh niên: “Thanh niên sẽ làm chủ nước nhà. Phải học tập mãi, tiến bộ mãi, mới thật là thanh niên”. Bác luôn nhấn mạnh đến việc học tập, vấn đề cốt lõi để các thế hệ thanh niên trang bị cho mình sự hiểu biết, vốn kiến thức, một trong những điều kiện tiên quyết để đảm bảo cho các thế hệ thanh niên có thể vươn mình ra biển lớn, lấy sức trẻ làm giàu cho Tổ quốc, quê hương.
Có thể khẳng định rằng, chăm lo, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một bộ phận quan trọng trong hệ thống tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đã dành cho thế hệ trẻ những tình cảm và sự quan tâm sâu sắc.
Nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Hội LHTN Việt Nam (15/10/1956- 15/10/2021). Nhân dịp này, xin được trích dẫn những lời dạy mà lúc sinh thời Bác đã dành cho các thế hệ thanh niên Việt Nam để thấy được những tình cảm sâu sắc, sự quan tâm bồi dưỡng những thế hệ thanh niên của Bác kính yêu.
Hỡi Đông Dương đáng thương hại! Người sẽ chết mất, nếu đám thanh niên già cỗi của Người không sớm hồi sinh”.
(Thư gửi Thanh niên An Nam, 1925)
“… ngày nay chúng ta phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên toàn cầu. Trong công cuộc kiến thiết đó, nhà nước trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai cùng các cường quốc năm châu được hay không chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.
(Thư gửi các em học sinh nhân Ngày khai trường đầu tiên
của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tháng 9/1945).
“Hỡi anh chị em thanh niên Nam Bộ!
Tôi thề cùng các bạn giữ vững nền độc lập tự do của nước Việt Nam. Dẫu có phải hy sinh đến nửa số dân tộc, ta cũng quyết hy sinh. Cuộc kháng chiến tự vệ chính nghĩa của dân tộc Việt Nam phải toàn thắng”.
(“Lời kêu gọi thanh niên Nam Bộ”, ngày 30/10/1945)
“... Một năm khởi đầu từ mùa Xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa Xuân của xã hội.
Vậy qua năm mới, các cháu phải xung phong thực hành “đời sống mới”.
Đời sống mới là:
- Hăng hái, kiên quyết, không sợ khó, không sợ khổ.
- Phải siêng học, phải siêng làm, phải tiết kiệm.
- Việc nên làm (như ủng hộ kháng chiến, tăng gia sản xuất) thì ta không chờ ai nhắc nhủ.
- Việc nên tránh (như tự tư tự lợi) thì ta không đợi ai ngăn ngừa”
(Gửi thanh niên và nhi đồng toàn quốc nhân dịp Tết sắp đến,
1 - 1946, Sđd, tập 4, trang 167.)
“… Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên. Thanh niên muốn làm chủ tương lai cho xứng đáng thì ngay hiện tại phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình, phải làm việc để chuẩn bị cái tương lai đó”.
(“Thư gửi các bạn thanh niên”, ngày 12/8/1947)
“Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên”.
(Bài thơ Bác tặng Đơn vị thanh niên xung phong 312
làm đường tại xã Cẩm Giàng, Bạch Thông, Bắc Kạn, ngày 28/3/1951)
“Ưu điểm của thanh niên ta là hăng hái, giàu tinh thần xung phong. Khuyết điểm là ham chuộng hình thức, thiếu thực tế, bệnh cá nhân, bệnh anh hùng. Rất mong toàn thể thanh niên ta ra sức phát triển những ưu điểm và tẩy sạch những khuyết điểm ấy. Huy hiệu của thanh niên ta là “tay cầm cờ đỏ sao vàng tiến lên”. Ý nghĩa của nó là: Phải xung phong làm gương mẫu trong công tác, trong học hỏi, trong tiến bộ, trong đạo đức cách mạng. Thanh niên phải thành một lực lượng to lớn và vững chắc trong công cuộc kháng chiến và kiến quốc. Đồng thời phải vui vẻ, hoạt bát. Bác mong mỗi cháu và toàn thể các cháu nam nữ thanh niên cố gắng làm tròn nhiệm vụ, để xứng đáng với cái huy hiệu tươi đẹp và vẻ vang ấy”.
(Thư gửi thanh niên, tháng 4/1951, Hồ Chí Minh toàn tập)
“Kháng chiến càng tiến tới, công việc ngày càng nhiều, chúng ta cần củng cố và phát triển Ðội TNXP để bảo đảm thêm công việc kháng chiến và đào tạo cán bộ sau này. Nhiệm vụ của Ðội TNXP là xung phong mọi việc bất kỳ việc khó, việc dễ và phục vụ đến ngày kháng chiến thành công. Ðó là nhiệm vụ rất vẻ vang của thanh niên”.
(“Ðội Thanh niên xung phong” đăng trên báo Nhân Dân số 147, 1953)
“Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà? Mình phải làm thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu chừng nào?”
(Bài nói chuyện với sinh viên và thanh niên trong
Lễ khai mạc Trường Đại học Nhân dân Việt Nam ngày 19/11/1955)
“Tính trung bình thanh niên chiếm độ 1 phần 3 tổng số nhân dân – tức là một lực lượng to lớn. Lực lượng to lớn thì phải có nhiệm vụ to lớn”
(“Nhiệm vụ của thanh niên ta”, báo Nhân dân ngày 20/12/1955)
“Người ta thường nói: Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Để thật xứng đáng là người chủ của một nước xã hội chủ nghĩa, thanh niên ta quyết tâm thực hiện mấy điều sau đây:
- Phải thấm nhuần đạo đức cách mạng tức là khiêm tốn, đoàn kết, thực hành chủ nghĩa tập thể, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, người tiên tiến thì giúp đỡ người kém, người kém phải cố gắng để tiến lên, ra sức cần kiệm xây dựng nước nhà.
- Phải nghiêm khắc chống chủ nghĩa cá nhân như tự tư tự lợi, tự kiêu, tự mãn, chỉ tham việc gì có danh tiếng, xem khinh những công việc bình thường. Phải chống tham ô, lãng phí.
- Phải cố gắng học hỏi để không ngừng nâng cao trình độ chính trị, văn hóa và kỹ thuật để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân.”
(Bài nói chuyện tại Đại hội Thanh niên tích
cực lao động xã hội chủ nghĩa, ngày 17/3/960)
“Thanh niên ta phải cố gắng học. Do hoàn cảnh trong xã hội cũ hạn chế nên số đông thanh niên công – nông ta ít được học. Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì nhất định phải có học thức”.
(Bài nói chuyện tại Đại hội lần thứ III
của Đoàn thanh niên Lao động Việt Nam, ngày 24/3/1961)
“Bác rất yêu quý thanh niên:
- Vì thanh niên là người tiếp sức cách mạng cho thế hệ thanh niên già, đồng thời là người phụ trách, dìu dắt thế hệ thanh niên tương lai - tức là các cháu nhi đồng.
- Vì thanh niên là người xung phong trong công cuộc phát triển kinh tế và văn hóa trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.
- Vì thanh niên là lực lượng cơ bản trong bộ đội, công an và dân quân tự vệ, đang hăng hái giữ gìn trật tự trị an, bảo vệ Tổ quốc”.
(Bài nói chuyện tại Đại hội toàn quốc lần thứ hai
của Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, ngày 20/12/1961)
“Phải không sợ khổ, không sợ khó, thực hiện đâu cần thanh niên có, việc khó có thanh niên, gặp gian khổ phải đi lên phía trước, khi hưởng thụ phải hưởng thụ sau mọi người”.
(Bài phát biểu tại Hội nghị Cán bộ toàn miền Bắc, tháng 9/1962)
Đảng, Chính phủ và Bác rất chú ý đến thanh niên. Bác vui lòng khen ngợi những cố gắng của thanh niên… Thanh niên phải xung phong đến những nơi khó khăn gian khổ nhất, nơi nào người khác làm ít kết quả, thanh niên phải xung phong đến làm cho tốt.
Trọn đời trung thành với sự nghiệp cách mạng, với Tổ quốc, với Đảng, với giai cấp.
Không sợ khổ, không sợ khó, thực hiện: "Đâu cần thanh niên có, việc gì khó thanh niên làm", "gian khổ thì đi trước, hưởng thụ sau mọi người".
Không nên tự cho mình là tài giỏi, không khoe công, không tự phụ”
(Bài phát biểu tại Hội nghị cán bộ Đoàn Thanh niên
Lao động Việt Nam toàn miền Bắc, ngày 22/9/1962)
“Bác muốn dặn thêm các cháu mấy điều:
- Phải luôn luôn nâng cao chí khí cách mạng “trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Không sợ gian khổ, hy sinh, hăng hái thi đua tăng gia sản xuất và anh dũng chiến đấu, xung phong đi đầu trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước.
- Phải tin tưởng sâu sắc ở lực lượng và trí tuệ của tập thể, của nhân dân. Tăng cường đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau. Nâng cao ý thức tổ chức và kỷ luật. Kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tự do.
- Luôn luôn trau dồi đạo đức cách mạng, khiêm tốn và giản dị. Chống kiêu căng, tự mãn. Chống lãng phí, xa hoa. Thực hành tự phê bình và phê bình nghiêm chỉnh, để giúp nhau cùng tiến bộ mãi.
- Ra sức học tập nâng cao trình độ chính trị, văn hoá, khoa học kỹ thuật và quân sự để cống hiến ngày càng nhiều cho Tổ quốc, cho nhân dân.
- Luôn luôn chú ý dìu dắt và giáo dục thiếu niên và nhi đồng, làm gương tốt về mọi mặt cho đàn em noi theo”.
(Thư gửi thanh niên Ngày 2/9/1965, Báo
“Các cháu xứng đáng là những thanh niên ưu tú của nhân dân Việt Nam anh hùng. Và, giặc Mỹ đã thua to ở hai miền nước ta, chúng đang thất bại ngày càng nặng nề hơn ở miền Nam, nhưng chúng vẫn rất ngoan cố chưa chịu từ bỏ âm mưu xâm lược nước ta. Vì vậy, Bác nhắc nhở các cháu: Phải nêu cao ý chí chiến đấu, tinh thần cảnh giác cách mạng, cùng quân dân ta quyết tâm đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược; luôn luôn đoàn kết, ra sức học tập chính trị, kỹ thuật, văn hóa để ngày càng tiến bộ, đem hết nhiệt tình tài năng của tuổi trẻ cống hiến thật nhiều cho sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước”.
(Thư khen ngợi đơn vị TNXP 333 có nhiều thành
tích xuất sắc trên các tuyến đường Khu Bốn ác liệt, ngày 27/1/1969)
“Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa “hồng” vừa “chuyên”.
(Di Chúc của Người)
Trích: http://www.bqllang.gov.vn/
Những ngày đáng nhớ trong tháng 10
- 01/10/1991: Kỷ niệm Ngày Quốc tế Người cao tuổi.
- 04/10/1920: Kỷ niệm Ngày sinh đồng chí Tố Hữu.
- 10/10/1954: Kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ Đô.
- 13/10/1945: Kỷ niệm Ngày thành lập doanh nhân Việt Nam.
- 14/10/1930: Kỷ niệm Ngày thành lập Hội nông dân Việt Nam.
- 15/10/1956: Kỷ niệm Ngày thành lập hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam.
- 15/10/1930: Kỷ niệm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng.
- 20/10/1930: Kỷ niệm Ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.
14/10/1930: NGÀY THÀNH LẬP HỘI NÔNG DÂN VIỆT NAM
Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Ái Quốc và thanh niên cách mạng đồng chí hội, cuối năm 1926 đầu năm 1927, một số địa phương hình thành “Nông Hội Đỏ” chỉ đạo cuộc nổi dậy của nông dân đấu tranh chống thực dân, địa chủ phong kiến và tư sản, đòi quyền dân sinh dân chủ; tiêu biểu là cuộc đấu tranh của nông dân Cao Lãnh, Sa Đéc, Gia Định, Đức Phổ, Duyên Hà, Tiền Hải…. đi tới đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Link:http://www.lichsuvietnam.vn/home.php?option=com_content&task=view&id=1024&Itemid=33
15/10/1956: KỶ NIỆM NGÀY THÀNH LẬP HỘI THANH NIÊN VIỆT NAM
Lịch sử hình thành, phát triển của Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam: Trong lịch sử mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước các thế hệ thanh niên Việt Nam đã cùng cha ông chiến đấu kiên cường để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Lịch sử hình thành, phát triển của Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam: Trong bất cứ thời kỳ lịch sử nào của dân tộc, tuổi trẻ đều là lớp người đi đầu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với những tấm gương oanh liệt. Đặc biệt từ khi có Đảng, thanh niên Việt Nam đã liên tiếp lập nên những chiến công mới, viết tiếp những trang sử vàng vào lịch sử của dân tộc.
Cùng với sự phát triển lớn mạnh của thanh niên, tổ chức Hội LHTN Việt Nam ra đời và đã trở thành một tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn, thu hút, tập hợp đông đảo các tầng lớp thanh niên phấn đấu vì độc lập tự do của dân tộc, vì sự phồn vinh của đất nước. Trải qua gần nửa thế kỷ xây dựng, phấn đấu trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với vai trò nòng cốt chính trị của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHTN Việt Nam ngày càng xứng đáng là tổ chức xã hội rộng rãi của thanh niên và các tổ chức thanh niên Việt Nam yêu nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh và lý tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Nguồn: https://thanhnien.vn/
Tác giả bài viết: Huyện đoàn Nam Trà My
Ý kiến bạn đọc