Chị Phạm Thị Mỹ Hạnh - Bí thư Huyện đoàn Nam Trà My cho biết, tại chương trình, các đồng chí lãnh đạo huyện, đại diện phòng ban và hơn 150 đoàn viên, thanh niên đã trực tiếp trồng 400 cây sao đen trên diện tích hơn 1ha của khu di tích. Trước đó, vào cuối năm 2021, Huyện đoàn Nam Trà My tổ chức trồng 2.000 cây sao đen thuộc công trình “Đồi cây sao đen” tại khu di tích này.
Chị Hạnh cho hay, cây sao đen được trồng tại khu di tích có chiều cao hơn 2m, mặc dù di chuyển cây lên các vị trí trồng khó khăn do địa hình đồi cao, tuy nhiên với tinh thần tuổi trẻ và khí thế ra quân đầu năm mới, các đoàn viên, thanh niên đã nhiệt tình hưởng ứng chương trình.
Hoạt động không chỉ mang đến giá trị về xây dựng cảnh quan, môi trường cho khu di tích mà còn tạo khí thế sổi nổi, phấn khởi đầu năm mới cho tuổi trẻ huyện nhà nhằm thực hiện hoàn thành các phần việc, nhiệm vụ quan trọng năm 2022.
Thời gian qua, bão lũ, sạt lở đất đã gây hậu quả nặng nề về người và của đối với đồng bào Nam Trà My. Một trong những nguyên nhân chính gây sạt lở là việc chưa chú trọng trồng cây gây rừng.
Phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ trong khắc phục hậu quả thiên tai, Huyện đoàn Nam Trà My đã phát động trong đoàn viên thanh niên toàn huyện tích cực trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc.
Riêng năm 2021, thông qua nguồn lực nhà nước và xã hội hóa, Huyện đoàn Nam Trà My đã vận động đoàn viên, thanh niên tham gia trồng mới 25 nghìn cây xanh các loại. “Hoạt động trồng cây gây rừng nhằm giáo dục, tuyên truyền thế hệ trẻ về ý thức, trách nhiệm trồng và bảo vệ rừng; góp phần tăng hiệu quả kinh tế lâm nghiệp, giữ gìn và phát triển môi trường sinh thái” - chị Hạnh chia sẻ.
Tác giả bài viết: VINH ANH
Nguồn tin: Báo Quảng Nam:
Ý kiến bạn đọc