Trồng sâm Nam “nuôi” sâm Ngọc Linh
“Lấy ngắn nuôi dài” là phương thức mà anh Hồ Văn Đép (sinh năm 1991 người Xê Đăng) - Bí thư Đoàn xã Trà Cang, Nam Trà My, đã thực hiện và vận động thanh niên cùng người dân trên địa bàn xã nhân rộng để phát triển kinh tế gia đình, thoát nghèo bền vững.
Sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nhưng với quyết tâm theo đuổi con chữ, theo đuổi tri thức, năm 2015 anh Đép tốt nghiệp đại học chuyên ngành Luật và về làm chuyên viên văn phòng UBND xã Trà Cang. Đến năm 2019 anh được tín nhiệm bầu làm Bí thư Đoàn thanh niên xã.
Ngoài hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, để làm gương cho thanh niên và nhân dân địa phương trong phát triển kinh tế, anh Đép mạnh dạn đầu tư trồng cây sâm Ngọc Linh. Ngay từ đầu anh xác định trồng sâm Ngọc Linh là hướng phát triển kinh tế lâu dài, mang lại hiệu quả cao, nhưng muốn trồng được cây sâm vốn đầu tư ban đầu bỏ ra khá lớn và thời gian để cây sâm bắt đầu cho thu nhập phải mất ít nhất 5 năm. Do vậy, “nuôi” cây sâm Ngọc Linh phải có những mô hình kinh tế ngắn hạn, đem lại thu nhập trước mắt. Với cách nghĩ đó, song song trồng sâm Ngọc Linh, anh Đép phát triển mô hình trồng sâm Nam (đẳng sâm) kết hợp với chăn nuôi gà và heo.
Với diện tích hơn 1ha sâm Nam, tính theo giá thị trường hiện nay khoảng 200 - 300 nghìn đồng/kg, hằng năm đem lại cho gia đình anh Đép thu nhập 20 - 30 triệu đồng. Ngoài ra, anh Đép nuôi giống gà và heo bản địa đem lại giá trị kinh tế cao.
“Sâm Nam dễ trồng, vốn bỏ ra không cao, thời gian thu hoạch ngắn và ít mất công chăm sóc lại cho thu nhập ổn định, còn giống gà và heo bản địa vì hợp với thổ nhưỡng nên ít mắc dịch bệnh, rất hợp để làm mô hình “nuôi” cây sâm Ngọc Linh” - anh Đép chia sẻ. Mô hình kinh tế “lấy ngắn nuôi dài” trong thời gian qua đã giúp anh Đép yên tâm đầu tư trồng cây sâm Ngọc Linh.
Không nghĩ cho riêng mình, hiểu được khó khăn của đoàn viên thanh niên trong tìm hướng phát triển kinh tế gia đình, anh Đép luôn nhiệt tình hướng dẫn đoàn viên phát triển mô hình mình đang thực hiện.
“Thấy giá trị kinh tế của cây sâm Ngọc Linh đem lại bà con ai cũng ham, nhưng phải lo cái ăn trước mắt đã. Nên tôi vận động đoàn viên thanh niên và người dân địa phương trồng các cây dược liệu khác, nuôi con gà, con heo để lấy vốn đầu tư sâm” - anh Đép chia sẻ.
Ông Trần Xuân Mố - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Trà Cang cho biết, thời gian qua người dân trên địa bàn xã đã bắt đầu trồng sâm Ngọc Linh, nhưng trong khi chờ sâm cho thu hoạch thì bà con vẫn loay hoay lo cho cái ăn hằng ngày.
“Mô hình kinh tế “lấy ngắn nuôi dài” mà anh Đép đang vận động bà con tham gia là hết sức thiết thực, không chỉ trong phát triển kinh tế hộ gia đình mà còn góp phần phát triển diện tích trồng cây sâm Ngọc Linh trên địa bàn xã Trà Cang” - ông Mố nói.
Tác giả bài viết: HOÀNG THỌ
Nguồn tin: Huyện đoàn Nam Trà My: