Tại Điều 3, Khoản h Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật quy định: Tôn trọng khả năng phát triển của trẻ em khuyết tật và tôn trọng quyền của trẻ em khuyết tật trong việc bảo tồn bản sắc của trẻ em.
Điều 7. Trẻ em khuyết tật: 1. Các Quốc gia thành viên của Công ước này cam kết thực hiện những biện pháp cần thiết để đảm bảo trẻ em khuyết tật được thụ hưởng đầy đủ quyền con người và các quyền tự do cơ bản như những trẻ em khác.
2. Trong tất cả các hoạt động có liên quan tới trẻ em khuyết tật, thì những lợi ích tối ưu nhất của một trẻ khuyết tật phải được quan tâm hàng đầu.
3. Các Quốc gia thành viên của Công ước này cam kết đảm bảo trẻ em khuyết tật có quyền tự do bày tỏ ý kiến của mình về tất cả các vấn đề có liên quan tới trẻ em, quan điểm của các em sẽ được xem xét 1 cách thích đáng phù hợp với lứa tuổi và sự chín chắn của các em, giống như các trẻ em khác và sẽ có những hỗ trợ phù hợp với lứa tuổi và tình trạng khuyết tật để có thể thực hiện được quyền đó.
Điều 8, Khoản 2, Mục b quy định: Khuyến khích thái độ tôn trọng quyền của người khuyết tật ở tất cả các cấp trong hệ thống giáo dục, bao gồm cả trẻ em ở mọi lứa tuổi; Trẻ em khuyết tật phải được đăng ký khai sinh ngay sau khi sinh ra và có quyền được đặt tên từ khi sinh ra, có quyền nhập quốc tịch, và trong khả năng tối đa có quyền được biết cha mẹ mình là ai và được cha mẹ chăm sóc, được quy định tại Khoản 2, Điều 18.
Điều 23: Quyền được tôn trọng gia đình và tổ ấm: Người khuyết tật kể cả trẻ em có quyền duy trì khả năng sinh sản của họ, trên cơ sở bình đẳng như người khác; Trong mọi trường hợp thì lợi ích tối ưu nhất của trẻ em sẽ được ưu tiên hàng đầu, các quốc gia thành viên của Công ước này cam kết đưa ra những hỗ trợ phù hợp cho người khuyết tật trong việc thực hiện nghĩa vụ nuôi dạy con cái;
Các quốc gia thành viên của Công ước này cam kết đảm bảo trẻ em khuyết tật có quyền bình đẳng đối với cuộc sống gia đình, nhằm thừa nhận những quyền này và ngăn ngừa sự giấu giếm, cấm đoán, ruồng bỏ và cách ly trẻ em khuyết tật, các quốc gia thành viên của Công ước này cam kết cung cấp các thông tin và dịch vụ hỗ trợ đầy đủ, kịp thời cho trẻ em khuyết tật và gia đình trẻ em khuyết tật;
Trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không được phép cách ly 1 đứa trẻ khỏi bố mẹ vì lý do khuyết tật của trẻ đó hoặc của một trong hai hoặc của 2 bố mẹ; Các quốc gia thành viên của Công ước này cam kết lỗ lực để có giải pháp chăm sóc thay thế trẻ em khuyết tật trong một gia đình lớn hơn … khi mà gia đình của trẻ khuyết tật không thể chăm sóc và nuôi dưỡng các em”.
Điều 24 quy định: Người khuyết tật không bị loại khỏi hệ thống giáo dục chung vì lý do bị khuyết tật vì rằng trẻ em khuyết tật không bị loại trừ khỏi chương trình giáo dục tiểu học miễn phí và bắt buộc hoặc chương trình giáo dục THCS vì lý do bị khuyết tật;
Tại Điều 30, Khoản 5, Mục d: Đảm bảo rằng trẻ em khuyết tật được tiếp cận bình đẳng như những đứa trẻ khác vào các hoạt động thể thao, vui chơi, giải trí, kể cả các hoạt động thể thao, vui chơi giải trí trong hệ thống giáo dục.
Ở Việt Nam, Hiến pháp 1992 sửa đổi, bổ sung năm 2011 tại Điều 59 có quy định: Nhà nước và xã hội tạo điều kiện cho trẻ em khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác được học văn hóa và học nghề phù hợp.
Một số điều khoản tại Luật người khuyết tật năm 2010 quy định: Ưu tiên thực hiện chính sách bảo trợ xã hội và hỗ trợ người khuyết tật là trẻ em; Ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh cho người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng, trẻ em khuyết tật; Tư vấn biện pháp phòng ngừa và phát hiện sớm khuyết tật bẩm sinh đối với trẻ em sơ sinh để kịp thời có biện pháp điều trị và chỉnh hình, phục hồi chức năng phù hợp.
Đối tượng được hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng: Người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi; Người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng là trẻ em, người cao tuổi được hưởng mức hỗ trợ cấp cao hơn đối tượng khác cùng mức độ khuyết tật.
Luật Bảo vệ, chăm sóc & giáo dục trẻ em năm 2004: Điều 52 quy định: “Trẻ em khuyết tật, tàn tật, trẻ em là nạn nhân chất độc hóa học được gia đình, nhà nước và xã hội giúp đỡ, chăm sóc, tạo điều kiện để sớm phát hiện bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng, được nhận vào các lớp học hòa nhập, lớp học dành riêng cho trẻ khuyết tật, tàn tật. Được giúp đỡ học văn hóa, học nghề và tham gia hoạt động xã hội”.
Trong tất cả các hành động có liên quan đến trẻ em khuyết tật, điều quan trọng nhất là phải đem lại lợi ích tốt nhất cho trẻ. Và Những quy định riêng dành cho trẻ khuyết tật trong công ước quốc tế đều mong muốn mang lại những điều tốt nhất cho trẻ. Vì vậy, tất cả chúng ta hãy chung tay vì trẻ em khuyết tật, để trẻ có được một tương lai tươi sáng hơn, giúp trẻ vơi bớt đi những thiệt thòi, bi thương.
Tác giả bài viết: Huyện đoàn Nam Trà My
Nguồn tin: ST
Ý kiến bạn đọc