Ngăn chặn xu hướng trẻ hóa tội phạm

Thứ ba - 04/07/2023 05:40 25 0
(ĐCSVN) - Xu hướng trẻ hóa tội phạm không chỉ trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống của bản thân đối tượng phạm tội và gia đình họ, mà còn để lại những hệ lụy lớn đối với đời sống xã hội, đe dọa tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Ngăn chặn xu hướng trẻ hóa tội phạm sẽ vừa góp phần lành mạnh hóa đời sống xã hội, vừa là cơ sở để bồi dưỡng, xây dựng thế hệ trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước.
Ngăn chặn xu hướng trẻ hóa tội phạm

Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an thành phố Hồ Chí Minh vừa tạm giữ 7 thanh, thiếu niên trong băng cướp do Nguyễn Văn Tâm, 17 tuổi, quê Bình Phước cầm đầu. Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, từ tháng 01/2022 đến khi bị bắt, Tâm cùng đồng bọn đã thực hiện khoảng 20 vụ cướp giật tài sản của người đi đường. Nhóm này thường chạy xe máy trên các tuyến đường ít người qua lại, tìm người có tài sản để đeo bám, sau đó áp sát, cướp tài sản. Trong nhiều trường hợp, nhóm này còn sử dụng hung khí như dao, bình xịt hơi cay và vật giống súng uy hiếp nạn nhân để cướp điện thoại, túi xách, nữ trang... Tài sản cướp giật được, các đối tượng sẽ mang đi bán, lấy tiền chia nhau tiêu xài. Đáng chú ý, cả 7 đối tượng đều còn rất trẻ, một số trong độ tuổi thiếu niên.

 Các đối tượng phạm tội có xu hướng trẻ hóa. (Ảnh: Ngọc Thiện)

Trước đó, cũng tại thành phố Hồ Chí Minh, cơ quan Công an đã triệu tập 6 thanh, thiếu niên gồm: Ngô Nhật Thuận (18 tuổi); Huỳnh Thanh Phát (19 tuổi); Nguyễn Quốc An Khang (17 tuổi); Nguyễn Thanh Thương (16 tuổi); Nguyễn Tuấn Khanh (17 tuổi) và Nguyễn Công Đông (17 tuổi). Đây là các đối tượng liên quan đến vụ cướp tài sản của hai phụ nữ diễn ra tại đường Lê Đình Cẩn. Tổng số giá trị tài sản bị cướp ước tính vào khoảng trên 65 triệu đồng.

Mới đây, Công an thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương cũng vừa tạm giữ 9 thanh, thiếu niên, trong đó có một số thiếu niên chưa đủ 14 tuổi để điều tra về hành vi gây rối trật tự công cộng và cố ý gây thương tích khiến ba người bị thương tại một quán cà phê thuộc phường Đông Hòa, thu giữ nhiều dao phóng lợn, mã tấu… Trao đổi với báo chí, Đại tá Trần Văn Chính, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương cho biết, trong 11 tháng của năm 2021, Công an tỉnh Bình Dương phát hiện 41 vụ, có 54 đối tượng là trẻ chưa thành niên phạm tội, trong đó tập trung nhiều ở các tội cướp giật, trộm cắp tài sản, mua bán trái phép chất ma túy, cố ý gây thương tích…

Thực tế thời gian qua cho thấy, không chỉ riêng thành phố Hồ Chí Minh hay tỉnh Bình Dương mà tại một số địa phương khác, các đối tượng phạm tội đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Đa phần trong số này đều là những thanh, thiếu niên bỏ học sống lang thang, không nghề nghiệp, xa rời sự quản lý, giáo dục của gia đình và người thân nên thường rất dễ sa ngã, hoặc dễ bị lôi kéo để tham gia thực hiện các hành vi phạm tội.

Theo nhiều chuyên gia, một nguyên nhân quan trọng dẫn đến xu hướng trẻ hóa tội phạm hiện nay đó là do tác động của mặt trái kinh tế thị trường; lối sống hưởng thụ, thực dụng đã và đang tồn tại ở một bộ phận thanh, thiếu niên hiện nay. Tiến sĩ Đoàn Văn Báu, Chuyên gia tâm lý tội phạm cho biết, tình trạng tội phạm trẻ hóa ngày càng phổ biến. “Trước đây, tội cố ý gây thương tích… chiếm đa số, nhưng bây giờ, tội phạm công nghệ cao, xâm phạm an ninh quốc gia cũng có nhiều người dưới 18 tuổi”, Tiến sĩ Đoàn Văn Báu phân tích.

Đồng thời, công tác quản lý, giáo dục học sinh của một số nhà trường còn bộc lộ nhiều tồn tại; việc giáo dục đạo đức, đặc biệt là đối với các học sinh cá biệt có thời điểm chưa được chú trọng đúng mức. Sự phối kết hợp giữa nhà trường và gia đình với các tổ chức, đoàn thể xã hội trong giáo dục đạo đức, lối sống cho trẻ vị thành niên còn thiếu chặt chẽ; công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật chưa đạt kết quả cao. Gia đình và nhà trường còn thiếu sự phối hợp, trao đổi thông tin về trẻ vị thành niên có biểu hiện hư hỏng, tụ tập với các đối tượng xấu trong xã hội để kịp thời ngăn chặn... Tâm lý bốc đồng, hiếu thắng, thích thể hiện bản thân cũng là nguyên nhân dẫn đến không ít vụ việc vi phạm pháp luật của thanh, thiếu niên.

Đặc biệt, hiện nay vẫn chưa có cơ chế rõ ràng để huy động và phân định trách nhiệm của các ban, ngành, đoàn thể tham gia vào công tác phòng ngừa tội phạm xâm hại trẻ em và tội phạm trong lứa tuổi vị thành niên; cá biệt có nơi còn xem đây là nhiệm vụ riêng của ngành Công an. Mặt khác, những tác động tiêu cực của dịch COVID-19 cũng khiến tình trạng thanh, thiếu niên phạm tội có xu hướng tăng, nhất là trộm cắp tài sản và tàng trữ trái phép chất ma túy do không có việc làm, thu nhập không ổn định.

 Cần ngăn chặn xu hướng trẻ hóa tội phạm. (Ảnh: Ngọc Thiện)

Xu hướng trẻ hóa tội phạm không chỉ trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống của bản thân đối tượng phạm tội và gia đình họ, mà còn để lại những hệ lụy lớn đối với đời sống xã hội, đe dọa tình hình an ninh trật tự tại nhiều địa phương. Để ngăn chặn xu hướng này, đòi hỏi sự vào cuộc của các tổ chức, các lực lượng với những giải pháp đồng bộ, cụ thể.

Theo đó, trước hết cần phát huy vai trò của gia đình trong chăm sóc, giáo dục, quản lý thanh, thiếu niên. Gia đình phải là chủ thể quan tâm giáo dục đạo đức, lối sống; kiểm soát các mối quan hệ xã hội của chính con em mình để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những hành vi lệch lạc, sai trái. Các thành viên trong gia đình phải bồi dưỡng, giáo dục cho người chưa thành niên nhận thức đúng và có hành vi chuẩn mực, có kiến thức pháp luật; đồng thời, từng thành viên phải thực sự gương mẫu trong chấp hành các quy định của pháp luật.

Song song với đó, cần nâng cao hiệu quả công tác giáo dục pháp luật tại nhà trường và tăng cường phối hợp giữa nhà trường với gia đình, tổ chức đoàn thể ở địa phương để quản lý thanh, thiếu niên có hiệu quả. Nhà trường cần tổ chức các hình thức giáo dục, quản lý khoa học, chặt chẽ đối với học sinh; nâng cao vai trò, trách nhiệm của giáo viên trong việc chăm sóc, giáo dục học sinh; tăng cường công tác tuyên tuyền, giáo dục pháp luật trong nhà trường và phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa nhà trường với gia đình và các tổ chức đoàn thể ở địa phương trong việc trao đổi thông tin để tạo điều kiện thanh, thiếu niên phát triển toàn diện.

Đặc biệt, các tổ chức đoàn thể như Mặt trận Tổ quốc, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ… cần linh hoạt, chủ động trong nắm bắt tình hình, kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ các đối tượng trong lứa tuổi thanh, thiếu niên có điều kiện, khả năng, nguy cơ phạm tội trên địa bàn; quan tâm xây dựng các sân chơi bổ ích để tạo môi trường tích cực, giúp thanh, thiếu niên tránh xa các tệ nạn xã hội…

Ngăn chặn, đẩy lùi xu hướng trẻ hóa tội phạm là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Qua đó, vừa góp phần lành mạnh hóa đời sống xã hội, vừa là cơ sở để bồi dưỡng, xây dựng thế hệ trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước./.


Quang Đạo

Tác giả bài viết: Huyện đoàn Nam Trà My

loading...

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây