Thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2017, đến nay mô hình các nhóm hộ trồng sâm trong thanh niên tại xã Trà Linh, huyện Nam Trà My đã phát huy hiệu quả, góp phần không nhỏ vào công tác giảm nghèo.
Như mọi ngày, các thành viên đến ca trực trong nhóm trồng sâm Tắc Hrầng, thôn 3, xã Trà Linh tập trung làm việc, cùng nhau chăm sóc hơn 1.000 gốc sâm từ một đến hàng chục tuổi tại điểm trồng sâm chung của mình. Anh Hồ Văn Nhớ - thành viên trong nhóm cho biết, từ khi tham gia nhóm thanh niên trồng sâm anh đã được các thành viên khác hỗ trợ nhiệt tình về cây giống và kỹ thuật trồng sâm. Đặc biệt, khi tham gia trồng sâm, ý thức bảo vệ rừng của mọi người được nâng lên, không ai còn phá rừng. Anh Hồ Văn Dấu - Bí thư Đoàn xã Trà Linh cho biết, mô hình nhóm thanh niên trồng sâm có từ 20 - 30 thành viên cùng nhau trồng sâm và thay phiên tuần tra, canh gác cả ngày lẫn đêm trong và ngoài khu vực trồng sâm của mình theo hình thức quay vòng. “Mô hình đến nay đã chứng minh được sự hiệu quả rõ nét, việc người lạ trộm cắp sâm hầu như không diễn ra, giảm thiểu thời gian và công sức trong việc trồng sâm. Thu nhập bình quân hằng năm của mỗi thành viên trong nhóm từ 80 - 100 triệu đồng” - anh Dấu nói. Ông Hồ Văn Dang - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Linh cho biết, trong những năm qua, mô hình nhóm thanh niên trồng sâm của Đoàn xã thực hiện đã góp phần giải quyết được vấn đề việc làm cho thanh niên địa phương. Với việc cùng nhau trồng sâm và trao đổi ngày công bằng sâm giống hiện tại thanh niên trên địa bàn xã đã hạn chế đi lao động tự do mà chỉ tập trung vào trồng sâm. Tỷ lệ thanh niên không có việc làm và hộ gia đình thanh niên nghèo đã giảm rõ rệt. Mô hình nhóm hộ thanh niên trồng sâm trên địa bàn xã Trà Linh đã và đang mang lại những thành công nhất định, hy vọng rằng đây sẽ là một động lực lớn để cho thanh niên huyện miền núi Nam Trà My phát huy thế mạnh của địa phương vươn lên thoát nghèo và làm giàu.